Cắt giảm chi phí và tăng cường tính liên kết những giải pháp cốt lõi để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ logistics tại Việt Nam. Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 1/2.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tăng trưởng nhanh nhưng còn nhiều bất cập
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, logistics là một trong những ngành dịch vụ vô cùng quan trọng, quyết định sự lưu thông toàn bộ chuỗi sản xuất – phân phối hàng hóa trong nền kinh tế. Cùng với sự khởi sắc về kinh tế những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam cũng đang trên đà phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng từ 15– 16%/năm và đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Khoa, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới (tương đương với 20% giá trị GDP của cả nước) do chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu nước ngoài thu của chủ hàng Việt Nam. Thêm vào đó chất lượng dịch vụ chưa ổn định, trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng nhân lực trong ngành còn hạn chế.
Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Tiếp thị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phân tích, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics bao gồm mạng lưới giao thông, hệ thống cảng, điểm thông quan nội địa (ICD), nơi tập kết hàng (Depot)… Thực tế là các cơ sở hậu cần phục vụ logistics hiện nay chỉ tập trung tại một số khu vực nhất định. Điển hình như ở Tp. Hồ Chí Minh – địa bàn tập kết hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước thì các cơ sở phục vụ logistics cũng tập trung xung quanh cảng Cát Lái, các IDC ở khu vực Thủ Đức, Depot ở Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Việc tập trung này gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường, kẹt xe xảy ra thường xuyên làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, bản chất của logistics là hoạt động chuỗi liên kết giữa các địa phương, các khu vực, các quốc gia nhưng tại Việt Nam, mỗi địa phương lại có một chiến lược phát triển logistics riêng, thiếu tính liên kết vùng miền. Việc chưa có một quy hoạch phát triển chung về logistics của khu vực cũng dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quản lý, đầu tư và cách vận dụng các quy định của pháp luật giữa các địa phương.
Ngoài ra, những bất cập trong quản lý chuyên ngành cũng đang tác động rất lớn đến hoạt động logistics nói riêng và quá trình lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp nói chung. Cụ thể, mặc dù hàng hóa đã được thực hiện thủ tục hải quan điện tử rất đơn giản và nhanh chóng nhưng các thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng khác nhau. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá lớn gây tốn kém về nhân lực, chi phí, thời gian của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Cắt giảm chi phí và tăng cường liên kết
Đại diện doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo.
Để nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, cắt giảm chi phí và tăng cường liên kết là hai giải pháp hàng đầu được các chuyên gia khuyến nghị. Ông Đào Trọng Khoa cho rằng, cắt giảm phí vận tải là việc phải làm trước tiên vì đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tổng chi phí dịch vụ logistics và dễ tạo ra chi phí tiêu cực. Cụ thể, nhà nước cần cắt giảm chi phí chính thức và minh bạch hóa phí BOT, xóa bỏ các chi phí ngầm trong vận tải đường bộ. Đồng thời tiến hành cơ cấu lại vận tải, nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa của các phương thức giá rẻ như đường thủy, đường sắt…
Song song đó, các hiệp hội chủ hàng cần đấu tranh với các hãng tàu nước ngoài để loại bỏ hiện tượng áp đặt các loại phụ phí cảng biển bất hợp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Về vấn đề liên kết, bà Phạm Thị Thúy Vân cho rằng, các địa phương và vùng tiếp giáp nhau cần có chương trình hành động chung trong việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng giúp phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực thị trường rộng lớn hơn.
Việc xây dựng các kho phân phối tập trung cũng có vai trò tích cực trong việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí lưu kho cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung cần có sự nghiện cứu chi tiết về sản lượng hàng hóa lưu thông, luồng hàng, dòng xe, hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt kết nối để giảm thiểu sự quá tải và ùn tắc giao thông hoặc ngược lại gây lãng phí.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng quốc tế Long An chia sẻ, chi phí cao kèm theo những hạn chế về chất lượng dịch vụ logistics xuất phát từ thực tế là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ chỉ hoạt động manh mún ở từng công đoạn riêng lẻ như vận chuyển, cho thuê kho, hoặc đăng ký hải quan. Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng hậu cần phục vụ logistics lại rời rạc, thiếu tính liên kết, khoảng cách từ các depot đến ICD, cảng biển quá xa, khiến gia tăng chi phí và thời gian lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy, muốn cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, các cơ quan quản lý cần phối hợp trong việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hợp lý hơn để rút ngắn khoảng cách vận chuyển.
Về phía các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics, tích hợp các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp nhỏ phải tăng cường liên kết để tận dụng tốt mọi nguồn lực, thế mạnh của từng doanh nghiệp vào đầu tư phát triển dịch vụ logistics trọn gói mới có thể cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và từng bước khẳng định uy tín đối với khách hàng.
Xét tổng quan, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần sớm thành lập một tổ chức nhà nước đứng ra quản lý các hoạt động của ngành logistics cũng như kết nối với hoạt động sản xuất thương mại, xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần thống nhất, minh bạch các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ logictis để tạo thuận lợi cho hoạt động logistics và thương mại, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Anh (TTXVN)